Hiệu quả từ mô hình thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

10:49, 30/09/2021

Hà Tĩnh được biết đến với đặc sản bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn và cam chanh các loại gắn với địa danh như: Cam Khe Mây, Cam Vũ Quang, Cam Hương Sơn, Cam Thượng Lộc,… Tuy nhiên các nhà vườn sản xuất còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, sản xuất theo kinh nghiệm. Do đó, việc đưa thương hiệu cam phát triển ra thị trường lớn còn hạn chế.

Với mục tiêu khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển cây cam theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, gắn với xây dựng NTM. Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình “Thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” với quy mô 5ha, 6 hộ tham gia tại 2 xã Mỹ Lộc và Thượng Lộc, huyện Can Lộc.

Upload

Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 3/2019, tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ 50% vật tư phân bón, thuốc BVTV, được tập huấn kỹ thuật và được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trực tiếp trên đồng ruộng trong suốt quá trình triển khai thực hiện.

Với một quy trình sản xuất nghiêm ngặt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã đưa lại những lợi ích thiết thực như: Phòng trừ sâu bệnh theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, làm giảm lượng thuốc BVTV trong sản xuất, giảm công phun thuốc. Trong chăm sóc cây, sử dụng phân hữu cơ là chủ yếu, bón phân đúng thời điểm, tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng, giảm lượng phân thất thoát. Ý thức nông hộ trong việc bảo vệ môi trường được nâng cao rõ rệt: Vỏ chai, bao bì thuốc BVTV được thu gom cho vào nơi quy định không vứt bỏ bừa bãi, vườn cây luôn sạch sẽ, không còn cỏ dại, bụi rậm được phát quang, các lô thửa đều có biển hướng dẫn, cảnh báo….

Sau 9 tháng triển khai thực hiện mô hình đã đạt kết quả cao, năng suất đạt trung bình 14,71 tấn/ha, giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg, cho doanh thu từ 441.300.000 đồng/ha, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 315.955.000 đồng/ha cao hơn sản xuất đại trà của các hộ dân trong vùng 85.455.000 đồng/ha, về mẫu mã, chất lượng quả cam đẹp hơn, trọng lượng quả nặng hơn. Đây là mô hình được thực hiện theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó phát huy nội lực trong nhân dân là chính để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua mô hình đã góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng cam, tạo điểm đến tham quan học tập, nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất cam; tạo tiền đề cho các địa phương thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh; hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV, cải thiện môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam an toàn, chị Võ Thị Loan, hộ tham gia mô hình phấn khởi cho biết: Để trồng được quả cam ngon, đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn, người trồng cam phải dồn nhiều công sức và tâm huyết. Cam chanh đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc rất tỉ mỉ, phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình làm đất, sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, hiệu quả lớn, cam ngọt đậm hơn, giá bán cũng cao hơn. Từ khi tham gia mô hình, vườn cam của gia đình tôi cho thu hoạch bình quân đạt 14 - 16tấn/ha, tăng 20 – 25% so với khi chưa áp dụng mô hình và đặc biệt là không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm vì cứ đến vụ thu hoạch là các công ty, thương lái đều đến để đặt mua.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Xuân Diệu, chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết mô hình triễn khai đã có những tác động tích cực về mặt nhận thức, giúp hộ tham gia mô hình cũng như các hộ trồng cam trên địa bàn xã thay đổi tập quán canh tác từ quảng canh sang thâm canh chăm sóc, có đầu tư, có định hướng phát triển bền vững, lâu dài. Thành công ban đầu của mô hình tạo tiền đề cho việc phát triển đầu tư thâm canh lâu dài hiệu quả cây cam trên đất Thượng Lộc. Tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, góp phần mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thương hiệu chất lượng,

Việc xây dựng thành công mô hình thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã góp phần thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho các giống cây ăn quả có múi đặc sản của địa phương, là một hướng phát triển sản xuất bền vững và mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng cam, góp phần đưa sản phẩm cam của Hà Tĩnh có thương hiệu và đứng vững trên thị trường. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ cam Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc, vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.

 

Nguyễn Xuân Toàn