Tỷ phú từ trồng cam Khe mây

10:47, 30/09/2021

Là một trong những người đầu tiên khai phá tiềm năng trồng cam ở vùng đất Khe Mây (xã Hương Đô, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), trải qua quá trình sản xuất cam hơn 20 năm với những khó khăn như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật và đặc biệt là cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại hết sức phức tạp. Nhưng với sự quyết tâm, khắc phục những khó khăn, ông Đinh Văn Oánh đã thành công với hơn 20 ha diện tích đất và 10.000 gốc cam đang thời kỳ sung mãn.

Giữa những ngày tháng 11, khi vụ cam ở vùng đất Khe Mây thuộc xã Hương Đô, huyên  Hương Khê, Hà Tĩnh đang vào mùa thu hoạch, chúng tôi có dịp vào thăm trang trại cam Khe Mây của ông Đinh Văn Oánh và được tận mắt chứng kiến những đồi cam được ông chủ trang trại phủ màn trắng bao trùm từ gốc đến ngọn. Bên trong là những quả cam to, tròn, vàng óng khiến ai nấy đều mê mẩn. Đây là một trang trại trồng cam với quy mô rộng lớn có một không hai ở mảnh đất miền sơn cước này.

Upload

Vườn  cam của gia đình ông Đinh Văn Oánh đang vào mùa thu hoạch

Hơn 20 năm ông đã gắn bó với cây cam, nghĩ lại chặng đường đó, ông Oánh đã tâm sự: “Từ đầu những năm 1990, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhân dân một số địa phương đi xây dựng vừng kinh tế mới tại Yên Sơn (nay là xã Hương Đô – huyện Hương Khê- Hà Tĩnh). Đến năm 1992, ông cùng một số hộ dân xã Hương Đô vào vùng đất Khe Mây lập nghiệp. Thời đó rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, đất đai cằn cỗi, hạn hán, bệnh sốt rét hoành hành, giao thông cách trở, đường sá đi lại chỉ mới là những lối mòn nhỏ. Năm 1993, ông được nhân dân tin tưởng, UBND xã chỉ định làm xóm trưởng, thấy bà con quanh năm chăm lo trồng sắn, khoai, chỉ mang tính làm tự cung tự cấp và nhận thấy, đất ở đây thích hợp với trồng các loại cây có múi. Nghĩ vậy, ông vận động bà con sản xuất hàng hóa, lấy cây cam làm mũi nhọn, trồng xen đậu lạc để lấy ngắm nuôi dài. Lúc họp dân, chỉ tiêu đưa ra mỗi hộ trồng 100 cây, nhưng bà con đều phản đối vì họ cho rằng, cây cam, cây bưởi chỉ thích hợp với đất trồng ở ven sông. Nhưng ông vẫn quyết tâm bàn với vợ con đào chuyển vườn cũ, trồng được 40 cây cam, tìm mua thêm được 100 cây đem về trồng ở Khe Mây và thật bất ngờ khi cây thích ứng rất nhanh, phát triển tốt”.

Sau 3 năm, những cam ông trồng thử nghiệm bắt đầu cho quả bói, thấy quả cam có vị ngọt đậm, thơm ngon hơn khi trồng ở vùng đất khác, ông Oánh đã mạnh dạn nhân giống, mở rộng diện tích tập trung đầu tư vào trồng cam. Từ những năm 1997, gia đình ông đã có thu nhập từ cam trên 10 triệu đồng/vụ, rồi cứ tăng lên hàng năm khi ông cần mẫn tích cóp được chút vốn liếng nào lại đầu tư mua đất, mua đồi rồi mày mò chiết ghép trồng thử nghiệm nên diện tích trồng cam của ông ngày càng lớn dần. Đến nay, ông Oánh đã sở hữu hơn 20ha diện tích với 10.000 gốc cam đang thời kỳ cho quả tốt nhất.

Upload

Trang trại cam của ông Oánh được phủ màn để đảm bảo chất lượng sạch

Để có những quả cam chín mọng, ngọt lịm và đạt tiêu chuẩn sạch, ông Oánh chăm sóc rất kỳ công, tỉ mỉ. Sau mỗi vụ cam, ông Oánh cắt cành, tỉa cây, cuốn gốc đúng kỹ thuật và bón phân đúng thời điểm để năm sau cây cam tiếp tục cho quả đều. Đặc biệt, ông cùng vợ đã ra tận Công ty May 10 ở Hà Nội đặt mua hàng ngàn chiếc màn về phủ kín toàn bộ vườn cam.

Ông chia sẻ: “Phủ màn cho cây cam sẽ ngăn được sâu bọ, bướm chích, đảm bảo sản phẩm sạch, chất lượng, không độc hại. Phương pháp này giúp người trồng không phải bắt sâu cả đêm, hay mang bình phun thuốc bảo vệ thực vật.Tính ra mỗi màn có giá 150.000 đồng phủ 1 cây sử dụng được tối thiểu hai năm. Vậy mỗi năm chỉ mất 75.000 đồng/cây, nếu so với việc sử dụng các biện pháp khác thì biện pháp này có thể đắt hơn nhưng hiệu quả và sản phẩm sạch”.

Cam của ông Oánh được chăm sóc đặc biệt và chất lượng cao nên giá cũng cao hơn so với nhiều nơi trồng cam ở Hà Tĩnh. Năm 2016, ông thu nhập 3 tỷ đồng, còn năm nay, hầu hết cả 10.000 gốc cam đều cho quả tốt, năng suất bình quân 20-25 tấn/ha. Toàn bộ vườn cam của ông đã được thương lái tìm đến mua tận vườn với giá 35 – 50 nghìn đồng/kg, dự kiến thu nhập trên 5 tỷ đồng.

Chia tay với gia đình ông Oánh, chúng tôi cảm phục ý chí vượt khó vươn lên trở thành tỷ phú của một người nông dân nơi miền sơn cước này. Và có lẽ, ông là người đầu tiên đã thổi luồng gió mới vào vùng đất mà trước đây vốn chỉ núi rừng trùng điệp. Điều đó không chỉ làm thay đổi diện mạo của một xã miền núi mà còn mang lại lợi ích vô cùng to lớn, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Điều đặc biệt hơn, đó là sản phẩm cam Khe Mây nổi tiếng với quả to, tròn, vàng óng, vị lại ngọt đậm, thơm ngon khó có nơi nào sánh được đã được tạo nên từ chính mảnh đất này để khi đi xa… ai cũng nhớ về Hà Tĩnh./.  

Nguyễn Hoàn