Cam bù được biết đến là một trong những loại quả đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh, được trồng chủ yếu ở 3 huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang với diện tích lên tới hàng trăm nghìn ha. cam bù là giống chín muộn, chín đúng vào dịp tết nguyên đán nên đã mạng lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân.
Được đến thăm vườn cam của ông Phạm Quang Hùng (xã Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh) vào những ngày cuối năm, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước những gốc cam đang vào mùa thu hoạch với màu vàng đỏ chín mọng cả một vùng, cây nào cây nấy nặng cành, trĩu quả.
Vườn cam gia đình ông Phạm Quang Hùng đang vào thời kỳ thu hoạch
Vừa được tham quan vườn cam vừa được nghe ông Hùng chia sẽ: “Trang trại của ông hiện có 3.500 gốc cam bù, đã vào mùa thu hoạch thứ 8. Mỗi cây cho khoảng 100 quả, có cây gần 200 quả. Năm nay, ước tính sản lượng đạt cỡ gần 20 tấn. Với giá bán từ 60.000 – 90.000 đồng, trừ hết tất cả các chi phí, dự tính năm nay, vườn cam của gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng.”
Nhìn trang trại cam bù của ông Phạm Quang Hùng được đầu tư bài bản, được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel nên hiệu quả mang lại rất cao. Tuy nhiên để có được như vậy, gia đình ông đã phải đổ vào đây rất nhiều tâm huyết và công sức lao động.
Từ ngày nơi đây còn là vùng đất toàn cây dại mọc um tùm, vợ chồng ông đã cải tạo từng bước và dồn hết vốn liếng cũng như tâm huyết vào khu vườn này. Phải nói rằng, đất không phụ lòng người. Cam bù đã “bén duyên” với gia đình ông khi được ông đưa giống về trồng và ngày càng phát triển tốt. Nhờ sự ham học hỏi và tính chịu khó, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và dần mở rộng quy mô diện tích. Từ khi mới chỉ vài trăm gốc bây giờ đã có một trang trại cam bù với 3.500 gốc đang thời kỳ sung mãn.
Vườn cam bù chín mọng hứa hẹn một mùa bội thu
Theo ông Hùng, chăm sóc cam bù cũng rất công phu. Trung bình mỗi gốc cam trồng khoảng bốn năm mới cho quả. Ngoài bón phân chuồng, còn phải nghiền đậu tương, bỏ vào bể chứa nước, sau đó dùng hệ thống lọc nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel tưới để cây sinh trưởng và phát triển tốt. ngoài ra, để đuổi côn trùng chích làm hỏng quả, ông phải dùng chai nhựa, đục lỗ thủng bỏ hạt long não bên trong rồi treo lên cành cây. Sau mỗi vụ cam, phải cắt cành, tỉa cây, cuốn gốc đúng kỹ thuật và bón phân đúng thời điểm để năm sau cây cam tiếp tục cho quả đều. “Đặc biệt, từ khi áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều, vừa giảm được sức lao động, vừa tiết kiệm nước, cây lại hấp thụ tối đa lượng nước tưới. Biện pháp này giúp tăng sản lượng cây trồng, chất lượng sản phẩm. Cam rất sáng màu, quả tròn đều, ăn ngọt hơn.” Ông Hùng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, huyện Hương Khê cho biết: “Cam bù Hương Khê là cây mang lại thu nhập chính cho người dân trên địa bàn. Toàn xã có khoảng 120 ha cam, trong đó một nửa diện tích trồng cam bù. Người dân trong xã trồng cam theo trang trại, mỗi hộ có hàng nghìn gốc, trong đó vườn anh Hùng là một trong những vườn cam đẹp nhất vùng”.
Chia tay với gia đình ông Hùng, chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui của ông khi bao nhiêu công sức, tâm huyết của ông đã được đền đáp xứng đáng với một vườn cam được mùa, được giá. /.
Nguyễn Hoàn